trang chủ tin tức xe Những mẫu xe nói không với “bia kèm lạc” có doanh số tăng mạnh trong tháng 5

Những mẫu xe nói không với “bia kèm lạc” có doanh số tăng mạnh trong tháng 5

Bên cạnh nhiều mẫu xe tăng giá và bán bia kèm lạc thì những mẫu xe vẫn giữ nguyên giá như Kia Soluto, Mitsubishi Xpander, Mazda 3 có doanh số bán xe tháng 5 bứt phá.

Khách hàng mua xe phải trả thêm những gói phụ kiện bổ sung để nhận sản phẩm sớm hoặc các khoản tiền kênh ngoài hóa đơn không còn là hiện tượng xa lạ tại thị trường ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2022, vấn đề này trở nên nổi cộm hơn bao giờ hết vì các đại lý ô tô trong nước nhận cảnh "cháy hàng" do ảnh hưởng của đại dịch.

Đây là cơ hội để nhiều cửa hàng bán lẻ đẩy mạnh giá kênh, "tăng gia" gói trang trí. Nhiều người mua cho biết nếu không "xuống tiền" cho các bộ phận bổ sung, họ phải đợi đến gần một năm mới được giao xe, trong khi nhiều khách hàng đặt cọc sau nhưng làm điều này lại có ô tô sớm hơn. Thêm vào đó, một số mẫu xe hiếm đã chứng kiến mức chênh ngoài hóa đơn kỷ lục, lên tới 1,3 tỷ đồng.

Đến tháng 5, nhiều mẫu xe có giá kênh "ngất ngưởng" dần không còn xuất hiện ở bảng xếp hạng doanh số trong nước, thậm chí có xe còn tụt xuống danh sách ô tô bán chậm nhất, chẳng hạn như Ford Explorer. Mẫu xe này chỉ bán được 35 chiếc, giảm đến 68% so với tháng 4, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA).

Ngoài ra, lượng xe bán ra của một số nhãn hàng thường xuyên bán xe kèm "lạc" giảm mạnh trong tháng qua. Tiêu biểu là Toyota Corolla Cross không còn góp mặt trong top 5 bán chạy, giảm 25,3% so với tháng trước đó. Tương tự với thương hiệu Nhật Bản, Hyundai Santa Fe, một mẫu xe "hot" sau giai đoạn Tết Nguyên Đán đã có doanh số giảm 40% từ tháng 3 sang tháng 4 và bị loại khỏi danh sách 10 mẫu xe được ưa chuộng nhất trong tháng 5.

Mặt khác, báo cáo cho thấy hàng loạt sản phẩm nói không với các khoản phụ thu ngoài ý muốn của khách hàng đã có doanh số tăng đáng kể. Điển hình là những mẫu xe như Mitsubishi Xpander tăng 327 chiếc (19,8%) so với tháng 4, Mazda CX-5 tăng 37 chiếc (2%), Kia K3 tăng 25 chiếc (1,5%). Đáng chú ý, những sản phẩm kể trên đều luôn giữ vị trí trong top xe bán chạy và có mức tăng trưởng đều đặn qua các tháng đầu năm 2022.

Thêm vào đó, một số "gương mặt" ít hoặc chưa xuất hiện trên top đầu doanh số đã có bước tiến lớn như Kia Soluto và Madza 3. Kia Soluto chứng kiến mức tăng kỉ lục lên tới 158% (tương ứng 1065 chiếc) so với tháng 4, còn Madza 3 tăng 26,3% (tương ứng 394 chiếc) và có lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng xe "ăn khách" ở vị trí thứ 10.

Vì đại dịch, tất cả các hãng xe đều phải trải qua giai đoạn chông gai bởi thiếu nguyên vật liệu sản xuất nhưng dường như cách bán hàng là biện pháp cần thiết để thương hiệu "níu chân" người mua. Phải chăng qua phản ánh từ các cộng đồng sử dụng xe hơi và cơ quan báo chí, người tiêu dùng dần nhận thức việc mua xe kèm lạc không nên tồn tại ở thị trường trong nước. Hiện tượng này làm lũng đoạn giá bán, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước bởi có dấu hiệu của hành vi trốn thuế.